Các lễ hội lớn trong tháng 4 ở Nhật Bản
Tháng 4 là một tháng đầy sôi động ở Nhật Bản với hàng loạt lễ hội đặc sắc, trong đó các sự kiện lớn nhất. Đây đều là những dịp quan trọng không chỉ đối với người dân Nhật Bản mà còn thu hút rất nhiều du khách quốc tế đến tham gia và trải nghiệm.
1. Lễ hội hoa anh đào – Sakura Season
Mùa hoa anh đào tại Nhật Bản kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6, tuy nhiên, giai đoạn hoa nở rộ đẹp nhất và thu hút du khách nhất là từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4.
Trong thời gian này, các công viên, con phố và vườn hoa tại các thành phố lớn như: Tokyo, Kyoto, và Osaka đều ngập tràn sắc hoa anh đào, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp như tranh vẽ.
Hoa anh đào không chỉ là biểu tượng của mùa xuân mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa Nhật Bản, thể hiện sự tươi đẹp, nhưng cũng là sự ngắn ngủi của cuộc đời.
Vào mùa hoa anh đào, người dân Nhật Bản tổ chức các buổi tiệc dưới tán hoa, gọi là hanami. Đây là dịp để bạn thưởng thức các món ăn đặc trưng như bánh mochi, cơm bento, và các món ăn truyền thống khác.
Ngoài ra, nhiều món ăn được chế biến từ hoa anh đào như bánh ngọt hay trà hoa anh đào cũng sẽ là trải nghiệm thú vị cho những ai yêu thích ẩm thực Nhật Bản.
2. Lễ hội Miyako Odori (1/4 – 30/4)
Bên cạnh lễ hội hoa anh đào, Nhật Bản còn tổ chức lễ hội Miyako Odori, một sự kiện văn hóa đặc sắc diễn ra tại Kyoto từ ngày 1 đến 30 tháng 4.
Đây là lễ hội nổi bật với những màn trình diễn múa truyền thống của các Geisha và Maiko (học trò của Geisha) tại nhà hát Kaburenjo. Lễ hội này là dịp để tôn vinh và bảo tồn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, đặc biệt là nghệ thuật múa và âm nhạc gắn liền với văn hóa Geisha.
Miyako Odori có một không gian đặc biệt khi hàng chục Maiko trong trang phục kimono màu xanh nhạt, tay cầm những cành hoa anh đào, biểu diễn các điệu múa truyền thống.
Cảnh tượng này vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa chứa đựng vẻ đẹp thanh thoát, lãng mạn của mùa xuân Nhật Bản. Đây là một dịp hiếm hoi để du khách có thể chiêm ngưỡng sự kết hợp tuyệt vời giữa múa, âm nhạc và nghệ thuật truyền thống.
Ngoài các màn trình diễn múa, lễ hội Miyako Odori còn có các buổi trà đạo truyền thống, nơi bạn có thể thưởng thức trà xanh và bánh ngọt Nhật Bản trong không gian yên tĩnh, thanh thoát. Đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm những khoảnh khắc đầy phong cách Nhật Bản tại lễ hội này.
3. Tuần lễ vàng – Golden Week (29/4 – 5/5)
Golden Week hay còn gọi là Tuần lễ vàng là kỳ nghỉ dài được mong chờ nhất trong năm tại Nhật Bản, thường kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.
Đây là chuỗi các ngày lễ liên tiếp, bao gồm:
- Ngày Chiêu Hòa (29/4 – ngày sinh của cố Nhật hoàng Hirohito)
- Ngày Hiến pháp (3/5)
- Ngày Xanh (4/5 – tôn vinh thiên nhiên)
- Ngày Tết thiếu nhi Nhật Bản – Kodomo no Hi (5/5).
Trong suốt Tuần lễ vàng, hầu hết các cơ quan, công ty và trường học đều tạm ngưng hoạt động, tạo điều kiện để người dân du lịch, nghỉ dưỡng hoặc đoàn tụ gia đình.
Đây cũng là thời điểm lý tưởng để khám phá nước Nhật khi thời tiết đã chuyển sang xuân ấm áp, cây cối xanh tươi và các thành phố lớn ngập tràn các hoạt động văn hóa, lễ hội đường phố và các sự kiện đặc biệt.
Một trong những biểu tượng nổi bật nhất trong dịp này là hình ảnh cá chép koinobori bay phấp phới trên bầu trời – tượng trưng cho khát vọng vươn lên và lời cầu chúc cho sự trưởng thành khỏe mạnh của trẻ em.
Truyền thuyết Nhật Bản kể lại rằng một con cá chép đã vượt thác thành công để hóa rồng, vì vậy cá chép trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí kiên cường.
Golden Week không chỉ mang ý nghĩa nghỉ ngơi mà còn thể hiện sâu sắc nét văn hóa, tinh thần cộng đồng và sự trân trọng các giá trị gia đình trong xã hội Nhật Bản hiện đại.
4. Lễ hội Inuyama (2/4 – 3/4)
Lễ hội Inuyama là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời và đặc sắc nhất tại Nhật Bản, được tổ chức từ năm 1635.
Sự kiện này diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật đầu tiên của tháng 4 hằng năm, tại đền Haritsuna ngôi đền nằm ngay trước cổng lâu đài Inuyama, thuộc thị trấn cổ Matsuri, tỉnh Aichi.
Điểm nhấn đặc sắc nhất của lễ hội là màn diễu hành hoành tráng của 13 chiếc xe rước và kiệu rước ba tầng được thiết kế theo phong cách truyền thống.
Trên mỗi chiếc kiệu đều có những con búp bê được trang trí tinh xảo, khoác lên mình trang phục truyền thống rực rỡ, đại diện cho nét đẹp văn hóa Nhật xưa.
Khi đêm xuống, hơn 360 chiếc lồng đèn được thắp sáng khắp các ngõ ngách thị trấn, tạo nên một không gian lung linh, huyền ảo và đầy tính nghệ thuật.
Lễ hội Inuyama không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn là điểm đến yêu thích của đông đảo du khách quốc tế yêu mến văn hóa Nhật Bản truyền thống.
5. Lễ hội Thần đạo Kanamara Matsuri (3/4)
Kanamara Matsuri là một trong những lễ hội độc đáo và gây nhiều tò mò nhất trong văn hóa Nhật Bản. Lễ hội này được tổ chức thường niên vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 4 tại đền Kanayama, thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa.
Với chủ đề chính xoay quanh sinh thực khí nam, lễ hội còn được biết đến với tên gọi dân dã là “lễ hội dương vật”.
Tuy chủ đề khá táo bạo, nhưng lễ hội này mang ý nghĩa sâu sắc và nhân văn. Mục tiêu chính của sự kiện là nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe sinh sản, kêu gọi phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và gây quỹ hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS.
Đồng thời, nhiều cặp vợ chồng cũng đến đây để cầu nguyện cho khả năng sinh sản và mong sớm có con.
Lễ hội Kanamara Matsuri còn gây ấn tượng với các hoạt động sáng tạo như các cuộc diễu hành tượng phồn thực, các gian hàng bán bánh kẹo và rau củ tạo hình sinh thực khí, mang đến một không khí sôi nổi, hài hước nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng văn hóa.
Đây là một sự kiện thể hiện tinh thần cởi mở và nhân văn trong cách người Nhật tiếp cận những vấn đề nhạy cảm của xã hội hiện đại.
6. Lễ hội mùa xuân Takayama (14/4 – 15/4)
Takayama là một thị trấn cổ nằm tại tỉnh Gifu, nơi vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn kiến trúc gỗ truyền thống và không khí yên bình đặc trưng của Nhật Bản thời Edo.
Vào giữa tháng 4 hằng năm, nơi đây lại rộn ràng tổ chức lễ hội mùa xuân Takayama – một trong ba lễ hội lớn và được yêu thích nhất tại Nhật.
Sự kiện kéo dài trong hai ngày và thu hút đông đảo người dân lẫn du khách nhờ vào các hoạt động diễu hành kiệu thờ xa hoa và giàu tính nghệ thuật. Những chiếc kiệu gọi là Yatai – được trang trí công phu, chạm khắc tinh xảo và mạ vàng, được rước qua khắp các con phố cổ.
Mỗi kiệu tượng trưng cho một khu phố truyền thống và mang theo linh vật thờ tự đặc trưng. Bên cạnh đó là màn trình diễn karakuri ningyo những con rối cơ học vận hành bằng dây kéo mô phỏng lại các tích xưa và câu chuyện dân gian Nhật Bản.
Điểm đặc biệt không thể bỏ qua là phần diễu hành của các chiến binh cưỡi ngựa trong trang phục cổ xưa, tái hiện lại khí thế hào hùng của các samurai xưa kia.
Lễ hội không chỉ là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn với các bậc tiền nhân mà còn là cách để giữ gìn, phát huy văn hóa dân gian truyền thống.
Nếu bạn đang lên kế hoạch du lịch Nhật Bản hay hiện đang sinh sống và làm việc tại đây, đừng bỏ lỡ cơ hội hòa mình vào không khí rộn ràng của những lễ hội truyền thống đặc sắc diễn ra trong tháng 4 thời điểm đất nước mặt trời mọc tràn ngập sắc xuân và văn hóa lễ hội lên ngôi.
Đây sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để bạn cảm nhận rõ nét hơn về đời sống tinh thần, phong tục và bản sắc dân tộc Nhật Bản qua những hoạt động giàu giá trị văn hóa.
HK Travel Japan luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá Nhật Bản đầy sắc màu này từ việc lên lịch trình, tư vấn điểm đến, đến tổ chức tour du lịch trải nghiệm lễ hội đúng mùa, đúng chất.
Hãy để những khoảnh khắc tại các lễ hội truyền thống Nhật Bản trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình khám phá châu Á của bạn.
TOUR DU LỊCH NHẬT BẢN THÁNG 4
TOUR DU LỊCH NHẬT BẢN MÙA HOA TỬ ĐẰNG THÁNG 5
Bình luận